Cuộc Cách mạng 4.0: Những triển vọng & thách thức

Gần đây, cụm từ “cách mạng công nghiệp lần thứ tư” hay “công nghiệp 4.0” được nhắc đến nhiều tại việt Nam và trên thế giới. Nhiều đánh giá đã được đưa ra về cuộc cách mạng công nghiệp lần này, rằng nó hàm chứa sự thay đổi lớn lao không chỉ về kinh tế mà cả văn hóa – xã hội một cách toàn diện. Có lẽ nhiều người trong số chúng ta đang băn khoăn: thế nào là “cách mạng công nghiệp lần thứ tư” và những tác động của nó với thế giới chúng ta đang sống là gì? Các quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng đang ở đâu trong cuộc cách mạng này?Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu qua bài viết này.

  1. Nhận diện cuộc cách mạng 4.0 từ những triển vọng mở ra…

“Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” là một thuật ngữ thoạt nghe có vẻ rất vĩ mô, nhưng thực tế chúng ta đang trải nghiệm rất nhiều sản phẩm của cuộc cách mạng này như là gọi taxi Uber hay Grab, thanh toán trên mạng, sống trong căn hộ thông minh, phẫu thuật bằng rô-bốt,… Bản chất của cách mạng công nghiệp lần thứ tư là mang thế giới ảo và thực xích lại gần nhau và nó dựa trên nền tảng của ba cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật từng có trong lịch sử:

Lịch sử bốn cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật của thế giới

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất năm 1784 bắt đầu khi con người phát minh ra động cơ hơi nước. Nó đánh dấu sự khởi đầu của kỉ nguyên sản xuất cơ khí thay thế hệ thống kĩ thuật cũ của thời đại trước.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai từ năm 1870 đến khi loài người phát minh ra động cơ điện, sử dụng năng lượng điện để tạo nên nền sản xuất với các dây chuyền lắp ráp.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba từ năm 1969 xuất hiện khi con người phát minh ra máy tính, internet, nên cũng được gọi là cuộc “cách mạng số”. Đây là thời kì mà máy móc tự động hóa, thay thế phần lớn chức năng của con người.

Và hiện nay, chúng ta đang ở giai đoạn đầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, được xây dựng dựa trên nền tảng của cuộc “cách mạng số”. Sự phổ biến của các công nghệ như: vạn vật kết nối, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây… đang xóa nhòa mọi ranh giới và giúp con người cũng như sản phẩm, máy móc tự kết nối, giao tiếp với nhau. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay chính là kỉ nguyên vạn vật được kết nối bởi internet. Ước tính đến năm 2020, sẽ có khoảng 50 tỉ vật thể được kết nối internet trên toàn thế giới. Hãy lấy một ví dụ đơn giản: Trong tương lai, ngôi nhà của bạn về cơ bản sẽ có tai, mắt và thậm chí là cả trí não. Bạn vừa trải qua một ngày dài mệt mỏi? Không cần nói, tự căn nhà sẽ nhận biết được điều dó dựa trên ứng dụng lịch làm việc trên thiết bị di động của bạn. Các cảm biến sinh học sẽ phát hiện mức độ căng thẳng dựa trên huyết áp và nhịp tim, từ đó căn nhà sẽ tự động chuyển từ loại nhạc rock mà bạn thường nghe sang những giai điệu nhẹ nhàng, du dương.

“Chúng ta đang bước vào một cuộc cách mạng công nghiệp có thể làm thay đổi cơ bản cách con người sống, làm việc và tương tác với nhau theo tốc độ và quy mô mà loài người chưa từng thấy” – đây là nhận định của giáo sư Klaus Schwab, chủ tịch diễn đàn kinh tế thế giới. Trong cuộc cách mạng 4.0, thì tiến bộ công nghệ sẽ tạo ra sự kết nối giữa thế giới thực, thế giới ảo và thế giới sinh vật.

Thế giới của cuộc cách mạng 4.0 là thế giới số – thế giới của những ngôi nhà thông minh, thành phố thông minh, quốc gia thông minh… Với công nghệ vạn vật kết nối, những vật dụng trong nhà sẽ được trang bị cảm biến, kết nối và tương tác với nhau. Trên đường phố tràn ngập những chiếc xe tự hành (tự lái). Công nghệ in 3d trở nên phổ biến. Từ những chi tiết máy móc nhỏ hay thậm chí là cả một ngôi nhà, tất cả sẽ được thực hiện bằng in 3d. Rô-bốt với trí tuệ nhân tạo dần thay thế con người trong sản xuất. 47% công việc ngày hôm nay sẽ có tỉ lệ 75% tự động trong vòng 20 năm nữa. Nếu mỗi người chúng ta còn nghĩ cách mạng 4.0 còn là một tương lai xa vời thì hãy để tâm tới những dấu hiệu sau đây:

  • Chiếc xe tự lái vốn chỉ tồn tại trong phim viễn tưởng đang ngày càng phổ biến trên đường phố.
  • Trong năm ngoái, phần mềm trí tuệ nhân tạo Alpha Go đã đánh bại nhà vô địch cờ vây thế giới Lee Sedol.
  • Công nghệ in 3d đã chạm tới lĩnh vực tưởng như khó nhất là y tế. Lần đầu tiên, một ca phẫu thuật đốt sống cổ được thực hiện thành công trong năm ngoái với chiếc đốt sống cổ được thay thế bằng công nghệ in 3d.

Với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, rô-bốt sẽ có thể thay thế con người hoàn toàn. Chỉ cần số hóa hay rô-bốt hóa nền sản xuất, các công ty đã có cơ hội để đưa nền sản xuất trở về nước mình, giành lại các công việc từ các nước có giá nhân công thấp. Đây cũng chính là lí do quan trọng nhất khiến Chính phủ nhiều nước hết sức quan tâm và lập ra các chiến lược 4.0 cho riêng mình. Từ năm 2011, Đức đã đưa ra chiến lược công nghiệp 4.0, tạo ra một khuôn khổ chính sách chặt chẽ, thiết lập vị thế là nhà cung cấp các hệ thống sản xuất tiên tiến hàng đầu thế giới. Hàn Quốc đã lên kế hoạch cung cấp vốn cho hơn 2000 doanh nghiệp nhỏ và vừa trong năm nay để thúc đẩy sự thành lập của những nhà máy thông minh, nơi mà dây chuyền sản xuất được tự động hóa hoàn toàn, máy móc và hệ thống thông minh được kết nối. Năm 2015, Trung Quốc đưa ra chiến lược công nghiệp “Made in China 2025”, mục tiêu biến Trung Quốc thành người khổng lồ về sản xuất bằng cách sử dụng các công nghệ tiên tiến như rô-bốt, cảm biến và trí tuệ nhân tạo. Dự kiến vào năm 2020, Trung Quốc có khả năng sản xuất 100000 rô-bôt mỗi năm. Một phần trong chiến lược xây dựng quốc gia thông minh của Singapore là nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững trong thời kì cuộc cách mạng thứ tư. Chính phủ Singapore giành 450 triệu đô la Mỹ trong năm năm tới để phát triển ứng dụng rô-bốt phục vụ đời sống.

Như vậy, có thể thấy cuộc cách mạng 4.0 đã mở ra nhiều triển vọng phát triển cho mọi cá nhân, mọi quốc gia trên thế giới.

 2…Cho đến những thách thức

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang mang lại thay đổi sâu sắc đến mức chưa bao giờ trong lịch sử, con người đứng trước nhiều cơ hội lẫn rủi ro như thế. Rô-bốt hóa về trí tuệ nhân tạo trong cuộc cách mạng lần thứ tư sẽ tước đi việc làm của người lao động thuộc nhiều ngành nghề như dệt may, dịch vụ, giải trí cho đến kinh tế, giao thông, giáo dục. Những yếu tố mà những nước như Việt Nam từng coi là ưu thế như lực lượng lao động phổ thông trẻ, dồi dào sẽ không còn là ưu thế nữa.

Con người và robot cùng làm việc trong một dây chuyền tại Kazo, tỉnh Saitama – Nhật Bản

Một vấn đề thứ hai là an ninh và quyền riêng tư cũng là những thách thức lớn của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. 1/3 dân số thế giới hiện nay sử dụng các nền tảng truyền thông xã hội để kết nối, học hỏi và chia sẻ thông tin. Bất cứ hoạt động nào của chúng ta, từ việc tìm kiếm trên google, mua hàng bằng thẻ hay live trên mạng xã hội đều để lại dữ liệu có thể phân tích. Thậm chí, người ta còn nhận định rằng, chỉ cần 10 like trên facebook, máy tính đã hiểu bạn hơn cả đồng nghiệp của bạn, sau 70 like sẽ hiểu rõ hơn cả bạn thân và sau hơn 300 like sẽ hiểu hơn cả vợ hoặc chồng của bạn.

An ninh mạng – vấn đề cần quan tâm trong kỉ nguyên 4.0

Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ làm thay đổi cơ bản lối sống, phong cách làm việc và cách thức giao tiếp. Câu hỏi lớn bây giờ là con người sẽ làm gì để thích nghi với những tiến bộ và cả thách thức của cuộc cách mạng này?

3. Giải pháp nào để thích nghi trong kỉ nguyên 4.0?

Cuộc cách mạng 4.0 là một tất yếu của tiến trình sản xuất. Khi rô-bốt hóa sản xuất, tự động hóa đang ngày càng được nhân rộng thì có lẽ không còn lâu nữa, những người lái xe tải sẽ trở nên thừa thãi do sự xuất hiện của xe tự lái. Còn trong khách sạn, những nhân viên lễ tân cũng có thể sớm bị thay thế bởi các rô-bốt. Công việc tại các nhà kho cũng có nguy cơ bị tự động hóa hoàn toàn. Ở nhiều công ty, các rô-bốt đã bắt đầu đảm nhiệm công việc này bởi chúng làm việc hiệu quả hơn mà chẳng yêu cầu nghỉ giải lao. Kĩ thuật số đang thay đổi thị trường lao động. Với nhiều lao động, tương lai thật mờ mịt. Các chuyên gia dự đoán khoảng 75% công việc hiện nay đang bị đe dọa mất đi. Những công việc đang bị đe dọa mất đi bởi máy móc hiện nay là những công việc có tính chất lặp đi lặp lại, trình tự được vạch ra rõ ràng, kể cả đó là những công việc chân tay hay trí óc. Chẳng hạn, các bác sĩ có thể tư vấn cho bệnh nhân của mình nhưng nếu nói đến việc chẩn đoán hay phẫu thuật, các rô-bốt đang càng ngày càng đóng một vai trò lớn.

Một báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới cho rằng, hơn 1/3 các kỹ năng việc làm được cho là quan trọng hiện nay sẽ phải thay đổi trong những năm sắp tới. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang theo những tiến bộ về công nghệ, dự báo sẽ khiến cho nhiều ngành nghề biến mất. Tuy nhiên mặt khác, cuộc cách mạng công nghiệp này lại khiến một số công việc có nhu cầu tuyển dụng tăng cao, thậm chí những ngành nghề chưa xuất hiện (như chăm sóc người máy) sẽ trở nên phổ biến. Chỉ có một điều chắc chắn, người lao động cần phải trang bị những kỹ năng mới để tránh tụt hậu và bị đào thải. Những kỹ năng cần thiết đối mà mỗi cá nhân cần trang bị đó là kỹ năng giải quyết vấn đề phức tạp, tư duy phản biện, sáng tạo, quản lý nguồn lực con người, phối hợp với đồng nghiệp, trí tuệ cảm xúc, đánh giá và ra quyết định, định hướng dịch vụ, đàm phán, linh hoạt trong nhận thức…

Nếu so với năm 2015, sáng tạo sẽ trở thành một trong ba kĩ năng top đầu mà người lao động cần. Với làn sóng các sản phẩm mới, các công nghệ mới, cách làm việc mới, người lao động cần phải sáng tạo để hưởng lợi nhiều nhất từ sự thay đổi này. Khả năng đàm phán và ra quyết định, mặc dù vẫn quan trọng song đến năm 2020, máy móc với nguồn dữ liệu khổng lồ có thể bắt đầu ra quyết định thay cho con người. Vậy câu hỏi đặt ra lúc này, là làm thế nào để người lao động trang bị được những kĩ năng này?

Câu trả lời trước tiên nằm ở những cơ sở đào tạo. Thực tế ở nhiều nơi, việc đào tạo chưa bắt kịp được với thế giới kĩ thuật số. Bà Jutta Rump – Giám đốc Viện nghiên cứu việc làm nêu lên thực tế: “Trong hệ thống đào tạo nghề của chúng ta, một số giáo trình học đã 20 năm tuổi rồi. 20 năm trước, chúng ta chưa hề nghĩ đến kĩ thuật số hay tương lai của thị trường lao động trong thời đại số. Vì vậy, một số môn học hiện nay không phản ánh thị trường việc làm hiện nay và chắc chắn cũng không phản ánh thị trường tương lai”. Rõ ràng các trường học, trường đào tạo nghề cần phải theo kịp tốc độ thay đổi của công nghệ, cung cấp những kĩ năng cần thiết cho người lao động.

Như vậy có thể thấy rất rõ, xã hội kỹ thuật số đang ở ngay phía trước. Một số người vẫn sẽ đứng vững, nhưng sẽ có người thua cuộc trước robot. Đây cũng là lúc mà người lao động, người sử dụng lao động và cơ sở đào tạo nghề phải chuyển động theo để thích ứng. Một ví dụ đơn cử là ở công ty Công nghiệp tàu thủy Sài Gòn, có nhà máy duy nhất ở miền Nam với kĩ thuật đóng tàu vỏ hợp kim nhôm. Loại tàu này công nghệ hoàn toàn khác tàu vỏ thép trước đây. Công ty này phải bỏ chi phí cho gần một ngàn lượt người lao động của công ty học nghiệp vụ để nắm chắc xu thế đổi mới công nghệ. Những công nhân ở đây được doanh nghiệp hỗ trợ đào tạo lại nhưng sẽ phải qua được các kỳ kiểm tra của các tổ chức đăng kiểm thì mới được tham gia vào dự án thi công đóng tàu mới tiếp theo, nếu không, chính họ sẽ mất việc và tự đào thải mình.

Các chương trình đào tạo hiện nay cũng phải thay đổi để thích ứng. Với những khối ngành kinh tế, nhiều trường đã liên kết với các tập đoàn, doanh nghiệp đa quốc gia để đưa các chương trình kinh tế vào giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng anh. Hay như chương trình học kì kép, tức là một nửa thời gian học lý thuyết tại trường và một nửa thời gian thực tập tại doanh nghiệp được xem là mô hình đào tạo nghề tiên tiến hiện nay.

Chỉ cần nắm vững kiến thức với một tấm bằng, hồ sơ đẹp thì cơ hội việc làm sẽ rộng mở, quan điểm này đang dần bộc lộ những hạn chế khi cuộc cách mạng 4.0 tới rất gần. Thay cho lời kết, chúng tôi muốn nhấn mạnh một điều: đổi mới phương pháp giáo dục theo hướng tiếp cận thực tế, làm chủ công nghệ là xu thế tất yếu nếu không muốn đứng ngoài cuộc chơi. Sự đổi mới đó chỉ có thể thực hiện khi bản thân mỗi người ý thức được tầm quan trọng của cuộc cách mạng 4.0 để tìm cách thích ứng với những xu thế phát triển tất yếu đó và tận dụng được những thành quả của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư nhằm phát triển bản thân, phát triển đất nước.

Nguồn tham khảo:

  1. https://eraweb.co/blog/cach-mang-cong-nghiep-4-0-co-hoi-hay-thach-thuc.html
  2. https://vi.wikipedia.org/wiki/C%C3%A1ch_m%E1%BA%A1ng_C%C3%B4ng_nghi%E1%BB%87p_l%E1%BA%A7n_th%E1%BB%A9_t%C6%B0
  3. https://en.wikipedia.org/wiki/Fourth_Industrial_Revolution